Đây là một trong những đề xuất trong tờ trình Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi trình Chính phủ ngày 1/3 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Theo đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu giảm từ 20 xuống 15 năm. Bộ này nhận định giảm năm đóng tạo điều kiện cho lao động tham gia hệ thống muộn hoặc đóng không liên tục, đóng thời gian ngắn vẫn được hưởng lương hưu.
Cụ thể, người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 61 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 56 tuổi 8 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm, độ tuổi được hưởng lương lưu tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Bên cạnh đó, dự thảo luật sửa đổi cũng nêu trường hợp người lao động có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi, 10 tuổi so với quy định và có đủ 15 năm làm công việc theo quy định, người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ được giao cũng đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.
Theo quy định hiện hành, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm BHXH trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng.
Về việc rút BHXH một lần, bổ sung các quy định khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một1 lần như: Giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu; Người lao động hết tuổi mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm lựa chọn: nếu không nhận BHXH một lần thì được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Được NSNN mua BHYT; Người lao động được hưởng các quyền lợi về ốm đau, thai sản, TNLĐ, thất nghiệp.
Các trường hợp được hưởng BHXH một lần, ban soạn thảo dự luật nêu hai phương án để xin ý kiến:
Phương án thứ nhất là giữ nguyên quy định hiện hành: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.
Phương án thứ hai là: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng hưởng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Hiện, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến, bạn đọc có thể xem và góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Dự kiến, dự thảo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023, thông qua vào kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.