Năm 1984 gia đình tôi có mua 1 thửa đất đến năm 1991 thì được vi giáp và có tên trong hồ sơ của địa chính xã mang tên mẹ tôi nhưng chưa có sổ đỏ. Mẹ tôi sau đó đi lấy chồng và để lại mảnh đất đó cho ông bà ngoại sử dụng. Ông tôi mất và để lại bản di chúc ghi mảnh đất đó chia cho cậu tôi nhưng không hỏi ý kiến hay chữ ký của mẹ tôi.
Đến nay, gia đình tôi có ý định sử dụng lại mảnh đất đó nhưng cậu tôi không trả. Tôi có kiến nghị ra xã 2 lần để hòa giải nhưng không được. Xin hỏi, giờ tôi phải làm gì để lấy lại mảnh đất mẹ tôi đã mua? Mong được giải đáp giúp.
Hình minh họa
[email protected]
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn Luật sư TP Hà Nội trả lời bạn như sau:
Theo như thông tin bạn đưa ra thì thời điểm mẹ bạn được ghi tên trong sổ địa chính xã từ năm 1991 đã qua rất nhiều thời kì quản lý đất đai ở nước ta, cần kiểm tra thông tin mảnh đất đã được kê khai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa. Do thông tin bạn đưa ra không đầy đủ nên luật sư đưa ra quy định pháp luật trường hợp của bạn như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013, Điều 15 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT, Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 sửa đổi bổ sung tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có giấy tờ về quyền sử dụng đất như sau:
Nghị định 43/2014/NĐ-CP
Điều 18. Giấy tờ khác về quyền sử dụng đất quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 100 của Luật Đất đai
Các giấy tờ khác lập trước ngày 15/10/1993 theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 100 của Luật Đất đai có tên người sử dụng đất, bao gồm:
1. Sổ mục kê đất, sổ kiến điền lập trước ngày 18/12/1980
2. Một trong các giấy tờ được lập trong quá trình thực hiện đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị số 299-TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước do cơ quan nhà nước đang quản lý, bao gồm:
a) Biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã xác định người đang sử dụng đất là hợp pháp;
b) Bản tổng hợp các trường hợp sử dụng đất hợp pháp do UBND cấp xã hoặc Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã hoặc cơ quan quản lý đất đai cấp huyện, cấp tỉnh lập;
c) Đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất đối với trường hợp không có giấy tờ quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này.
3. Dự án hoặc danh sách hoặc văn bản về việc di dân đi xây dựng khu kinh tế mới, di dân tái định cư được UBND cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
4. Giấy tờ của nông trường, lâm trường quốc doanh về việc giao đất cho người lao động trong nông trường, lâm trường để làm nhà ở (nếu có).
5. Giấy tờ có nội dung về quyền sở hữu nhà ở, công trình; về việc xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình được UBND cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở, xây dựng chứng nhận hoặc cho phép.
6. Giấy tờ tạm giao đất của UBND cấp huyện, cấp tỉnh; Đơn đề nghị được sử dụng đất được UBND cấp xã, hợp tác xã nông nghiệp phê duyệt, chấp thuận trước ngày 01/7/1980 hoặc được UBND cấp huyện, cấp tỉnh phê duyệt, chấp thuận.
7. Giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giao đất cho cơ quan, tổ chức để bố trí đất cho cán bộ, công nhân viên tự làm nhà ở hoặc xây dựng nhà ở để phân (cấp) cho cán bộ, công nhân viên bằng vốn không thuộc ngân sách nhà nước hoặc do cán bộ, công nhân viên tự đóng góp xây dựng. Trường hợp xây dựng nhà ở bằng vốn ngân sách nhà nước thì phải bàn giao quỹ nhà ở đó cho cơ quan quản lý nhà ở của địa phương để quản lý, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
8. Bản sao giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và các giấy tờ quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành cấp huyện, cấp tỉnh đối với trường hợp bản gốc giấy tờ này đã bị thất lạc và cơ quan nhà nước không còn lưu giữ hồ sơ quản lý việc cấp loại giấy tờ đó.
Căn cứ các quy định trên bạn có thể thu thập lại các tài liệu giấy tờ mua bán chuyển nhượng, sổ địa chính tại thời điểm đó để chứng minh quyền sử dụng đất. Đối với tranh chấp quyền sử dụng đất, khi hòa giải tại UBND cấp xã không thành gia đình bạn có thể khởi kiện vụ án tại TAND nơi có đất để giải quyết tranh chấp.