Chỉ báo các đợt tăng của tỷ giá là một công cụ quan trọng để theo dõi và dự đoán sự thay đổi của tỷ giá tiền tệ. Các chỉ báo này cung cấp thông tin về xu hướng tăng giảm của tỷ giá và giúp nhà đầu tư và người dùng cá nhân có thể điều chỉnh chiến lược tài chính của mình một cách hiệu quả.
(ĐTCK) Chênh lệch lãi suất hợp đồng hoán đổi VND - USD đang ở mức âm sâu và nhìn lại quá khứ, các đợt chênh lệch lãi suất âm thường là chỉ báo cho các đợt tăng của tỷ giá.
VND đối mặt với rủi ro giảm giá
Tỷ giá USD/VND giữ được sự ổn định trong phần lớn thời gian của quý II/2023, trước khi ghi nhận nhịp tăng nhẹ (tức VND giảm giá) vào cuối tháng 6, cao hơn 0,5% so với đầu quý II/2023.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Trần Thị Hà My, Trưởng bộ phận Nghiên cứu vĩ mô, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng nhích dần lên trong tháng 5/2023 (tăng 0,13% so với tháng 4) và trong tháng 6 tăng 0,4% so với cuối tháng 5. Trên thị trường phi chính thức, tỷ giá tự do tăng 0,8% trong tháng 6/2023.
Về các yếu tố tác động lên tỷ giá USD/VND, một lãnh đạo cao cấp BIDV cho hay, trên thị trường quốc tế, chỉ số đồng USD (DXY) thời gian qua tăng gần 1%, từ mức 102,5 lên 103,5, chủ yếu do kinh tế Mỹ vững vàng hơn, với điểm tựa từ thị trường lao động và lĩnh vực dịch vụ, mở ra dư địa cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất trong nửa cuối năm 2023. Trái ngược với Fed, kinh tế Trung Quốc cho thấy sự hồi phục chậm sau mở cửa khi gặp phải nhiều vấn đề như thị trường bất động sản gặp khó khăn, tiêu dùng nội địa thấp, xuất khẩu chậm lại.
“Sự phân kỳ về chính sách của Fed và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) khiến tỷ giá USD/CNY tăng mạnh, khoảng 6% trong quý II/2023, lên mức 7,25”, vị lãnh đạo BIDV nói.
Theo lãnh đạo BIDV, một yếu tố khác tác động lên tỷ giá USD/VND là chênh lệch lãi suất hợp đồng hoán đổi (swap) VND - USD ở mức thấp kỷ lục, với kỳ hạn 1 tuần dao động quanh mức -1%/năm, đóng cửa tháng 6/2023 ở mức -3%/năm, chủ yếu do thanh khoản VND dồi dào và Ngân hàng Nhà nước tiến hành nhiều đợt giảm lãi suất liên tục trong quý II/2023. Chi phí nắm giữ USD thấp vô hình trung tạo áp lực tiềm ẩn cho tỷ giá, đặc biệt trong những phiên giao dịch cuối quý II/2023.
Mặc dù vậy, vị lãnh đạo BIDV cho rằng, tỷ giá không tăng mạnh khi được hỗ trợ bởi cân đối cung cầu ngoại tệ trong nước dồi dào, ước tính thặng dư gần 6 tỷ USD. Đóng góp vào mức thặng dư tổng thể tới từ việc cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu kỷ lục khoảng 7,5 tỷ USD do xuất khẩu giảm chậm hơn nhập khẩu, trong khi xuất nhập khẩu dịch vụ giảm bớt thâm hụt xuống còn hơn 2 tỷ USD (cùng kỳ năm 2022 thâm hụt gần 4 tỷ USD) và giải ngân FDI ổn định ở mức 5,5 tỷ USD.
“Trong bối cảnh tỷ giá khá ổn định, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào gần 7 tỷ USD từ các ngân hàng thương mại, đồng thời tiến hành hủy các giao dịch mua ngoại tệ kỳ hạn trong năm 2022 của các ngân hàng thương mại, qua đó bổ sung đáng kể vào kho dự trữ ngoại hối quốc gia”, vị lãnh đạo BIDV thông tin.
Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC nhận định, trong khi lạm phát hạ nhiệt, tỷ giá USD/VND tương đối ổn định cũng hỗ trợ cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, khi rủi ro tăng giá kéo dài đối với lạm phát, thì VND có thể phải đối mặt với áp lực rủi ro sụt giá từ lãi suất thực đang dần “xói mòn”.
Tấm khiên ổn định đã hạ
Những phiên đầu tháng 7/2023, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng có nhịp tăng gần 1%, tương đồng với diễn biến biến trên thị trường tự do.
Diễn biến trên thị trường liên ngân hàng cho thấy, chênh lệch lãi suất USD - VND đang ở mức cao kỷ lục, cao nhất là 4,4%/năm đối với lãi suất qua đêm và thấp nhất là 0,6%/năm đối với lãi suất kỳ hạn 3 tháng. Tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, lãi suất VND cao hơn từ 0,3 - 1,4%/năm so với lãi suất USD.
“Chênh lệch lãi suất nới rộng hiển nhiên sẽ kích thích hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade) và tạo nên áp lực mất giá tiền đồng”, bà Hà My nhận xét.
Xung quanh vấn đề này, vị lãnh đạo BIDV cho rằng, những diễn biến trên là tương đối phù hợp, phản ánh rủi ro tạo áp lực lên tỷ giá có thể mạnh dần lên trong quý III/2023 thông qua 2 yếu tố sau.
Thứ nhất, trên thị trường quốc tế, sự phân kỳ về chính sách tiền tệ giữa Fed và nhóm các ngân hàng trung ương châu Á có khả năng sẽ mở rộng, bởi Fed dự kiến tăng lãi suất thêm ít nhất 1 lần nữa với những quan điểm gần đây cho thấy quyết tâm hạ nhiệt mặt bằng lạm phát xuống mức mục tiêu 2% khi thị trường việc làm vẫn cho thấy tín hiệu vững mạnh.
“Ở phía đối diện, các ngân hàng trung ương ở châu Á, đại diện là PBoC dự kiến sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vốn đang gặp rất nhiều khó khăn do các vấn đề cả nội tại và bên ngoài. Theo đó, đà giảm của đồng CNY có thể được duy trì và tạo áp lực giảm giá lên các đồng tiền ở châu Á khác, trong đó có VND”, vị lãnh đạo BIDV nói.
Thứ hai, chênh lệch lãi suất VND - USD dự kiến tiếp tục ở mức âm sâu với kỳ hạn 1 tuần, dự kiến trong khoảng âm 3 - 4%/năm. Trong quá khứ, các đợt chênh lệch lãi suất âm thường là chỉ báo cho các đợt tăng của tỷ giá (năm 2017, 2018, 2022).
Bà Hà My đánh giá, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành khá “mạnh tay” trong nửa đầu năm 2023, đứng về mục tiêu tăng trưởng kinh tế và hạ bớt “tấm khiên” về ổn định tỷ giá. Tăng trưởng kinh tế dự kiến chưa cải thiện nhiều trong quý III/2023 có thể là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm tiếp lãi suất điều hành.
“Tỷ giá USD/VND có thể tăng vượt mức 24.500 nếu đồng USD tăng tốc, nhưng áp lực có thể không mạnh bằng năm trước do năm nay Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại cao kỷ lục, lạm phát trong xu hướng giảm và dự trữ ngoại hối đang được tích luỹ trở lại”, bà Hà My nêu quan điểm.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo, các rủi ro đối với thị trường ngoại hối tương đối cân bằng, tỷ giá USD/VND có thể ở quanh mức 23.400 trong giai đoạn cuối năm 2023 đến quý III/2024. Việc xây dựng lại dự trữ dự phòng sẽ hạn chế khả năng tăng giá VND trong ngắn hạn; việc định giá lại lãi suất kỳ hạn của Fed cao hơn và đồng CNY yếu hơn cũng sẽ ảnh hưởng đến VND.
Đồng quan điểm, vị lãnh đạo BIDV nhìn nhận, rủi ro tăng mạnh của tỷ giá như giai đoạn 2022 là tương đối thấp, do cân đối cung cầu ngoại tệ vẫn là điểm tựa hỗ trợ cho tỷ giá khi tính toán của BIDV có thể thặng dư 3 - 4 tỷ USD trong quý III/2023, với các cấu phần như cán cân thương mại thặng dư dự kiến 4,5 - 5 tỷ USD, giải ngân FDI đạt khoảng 5,5 tỷ USD, hay kỳ vọng về giao dịch bán vốn lớn của VPBank cho đối tác SMBC (khoảng 1,5 tỷ USD).
Bên cạnh đó, khả năng tăng mạnh của đồng USD trên thị trường quốc tế tương đối thấp khi Fed đang ở giai đoạn cuối của quá trình thắt chặt tiền tệ. Đồng thời, các doanh nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm sau những đợt biến động của tỷ giá năm ngoái nên sẽ cân nhắc các nhu cầu giao dịch nếu tỷ giá tăng mạnh.
“Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh, kiểm soát hoạt động đầu cơ ngoại tệ và kỳ vọng sẽ có các biện pháp can thiệp nếu áp lực lên tỷ giá tăng mạnh, hay tâm lý lo ngại lan rộng”, vị lãnh đạo BIDV nói.